Chi phí và ưu nhược điểm Tăng sáng mây đại dương

Có những ước tính khác nhau về chi phí xây dựng và vận hành hệ thống làm tăng sáng mây đại dương. Một nghiên cứu cho thấy chi phí duy trì hệ thống khoảng 50 đến 100 triệu bảng Anh mỗi năm.[1] Một báo cáo khác gợi ý chi phí vận hành tới 5 tỷ đô la Mỹ mỗi năm nếu muốn giảm công suất làm nóng Trái Đất ở mức mạnh, tới 5 W/m2 trung bình toàn cầu.[2] Một nghiên cứu khác cho thấy, chi phí năng lượng để duy trì vận hành hệ thống phun sương nước biển, đủ để làm giảm công suất làm nóng Trái Đất ở mức 4 W/m2 trung bình toàn cầu, theo kỹ thuật tiết kiệm năng lượng là phun tia bằng hiệu ứng bất ổn Plateau–Rayleigh, tạo các giọt có kích thước cỡ 100 nm, chỉ tiêu tốn công suất khoảng 30 MW.[30]

Mức chi phí như nêu trên thuộc vào loại thấp nhất trong các kỹ thuật quản trị bức xạ Mặt Trời. Chi phí này thấp hơn so với tổn thất do việc để cho sự nóng lên toàn cầu không được kiểm soát.[2] Ngoài ra, tăng sáng mây đại dương cũng có chung ưu điểm khác của các kỹ thuật quản trị bức xạ Mặt Trời là đem lại hiệu quả nhanh, có thể dừng lại nhanh. Nếu việc phun sol khí được tăng cường hoặc dừng lại, thì độ sáng của mây sẽ phản ứng theo trong vòng vài ngày đến vài tuần, do các hạt nhân ngưng tụ mây luôn kết tủa và rơi xuống một cách tự nhiên.[2]

Nhiệt độ Thái Bình Dương giảm trong điều kiện của hiện tượng La Niña. Trên hình, màu xanh ứng với vùng nước lạnh, màu đỏ ứng với vùng nước ấm hơn.

So với các kỹ thuật quản trị bức xạ Mặt Trời khác, như phun sol khí tầng bình lưu, tăng sáng mây đại dương còn có thể được điều khiển để giới hạn hiệu ứng cho một vùng, thay vì cho toàn cầu.[42] Ví dụ, nó có thể được dùng để làm ổn định Dải băng ở Tây Nam Cực, hoặc làm mát cho Rạn san hô Great Barrier[43]. Tăng sáng mây đại dương cũng có thể được điều khiển để ảnh hưởng khí hậu đến toàn cầu. Nhiều nghiên cứu mô phỏng cho thấy hiệu ứng làm mát toàn bộ Thái Bình Dương và làm tăng băng ở các vùng cực, tương tự như hiện tượng La Niña, dù cho chỉ làm tăng sáng mây ở một vài vùng phía đông Thái Bình Dương.[44][45][46][47][48] Ngoài ra, tăng sáng mây đại dương, theo các đề xuất phổ biến hiện tại, chỉ sử dụng các nguồn nguyên liệu tự nhiên và dồi dào là nước biển và gió, thay vì đưa thêm các chất nhân tạo vào môi trường.

Tuy vậy, cũng giống như các kỹ thuật quản trị bức xạ Mặt Trời khác, các bằng chứng trên mô hình khí hậu toàn cầu tăng sáng mây đại dương còn có giới hạn.[2] Các mô hình tính toán hiện tại cho thấy tăng mây đại dương có thể làm mát đáng kể Trái Đất, đạt được mức giảm công suất làm nóng Trái Đất tới 3,7 W/m2 trung bình toàn cầu, hoặc thậm chí ở mức giảm nhiều hơn. Nhưng các mô hình tính toán khác nhau cho ra các kết quả khác nhau; cho thấy những điểm chưa chắc chắn ở các mô hình. Các nghiên cứu gần đây nhắm đến việc thống nhất các kết quả cho ra ở các mô hình tính toán khác nhau.[49][50] Việc làm tăng sáng mây sẽ có khả năng làm thay đổi quy luật và cường độ của lượng mưa ở nhiều vùng thời tiết.[46][51][52] Tuy nhiên, các mô hình cho thấy, thay đổi về lượng mưa có khả năng ít hơn so với kỹ thuật khác như phun sol khí tầng bình lưu, và ít hơn đáng kể so với nếu để cho việc nóng lên toàn cầu không được kiểm soát.[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tăng sáng mây đại dương http://www.ericvanhooydonk.be/media/54f3185ce9304.... http://oceanrep.geomar.de/5437/1/2006GL028139.pdf http://publications.iass-potsdam.de/pubman/item/es... http://adsabs.harvard.edu/abs/1974AtmEn...8.1251T http://adsabs.harvard.edu/abs/1990Natur.347..339L http://adsabs.harvard.edu/abs/1994JAtS...51.1823M http://adsabs.harvard.edu/abs/2000JAtS...57.2570H http://adsabs.harvard.edu/abs/2002AtScL...3...52L http://adsabs.harvard.edu/abs/2006AtmRe..82..328B http://adsabs.harvard.edu/abs/2007GeoRL..34.5710W